CHIA SẺ

Wednesday, May 3, 2017

TIÊU CHUẨN CÂY MẮC MẬT GIỐNG

Cây Mắc Mật đang ngày càng được nhiều Bà con nhà vườn chọn trồng. Đây là loại cây đa tác dụng, cây vừa là vị thuốc quý vừa là loại gia vị thơm ngon được người dân sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Cây được trồng rải rác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhận thấy giá trị của Cây Mắc Mật, nhiều hộ dân đã quyết định canh tác Cây Mắc Mật nhằm mục đích kinh doanh. 


Cây Mắc Mật Giống

Để có được Vườn Mắc Mật đảm bảo chất lượng và năng suất thì khâu chọn giống và đảm bảo cây giống đủ tiêu chuẩn là rất cần được chú ý.

Cách nhân giống Cây Mắc Mật

Cây Mắc Mật có sức sinh trưởng mạnh, cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Người dân thường nhân giống Cây Mắc Mật bằng một trong hai cách. Chọn giống từ Hạt Mắc Mật và chọn giống từ Cây Ghép.


Cách nhân giống Cây Mắc Mật

Cây trồng từ hạt 4-5 năm sau có quả; cây trồng từ cây ghép 2-3 năm cho quả, cây có tuổi thọ khoảng 40 năm. Cây trưởng thành bình quân cây cho năng suất 40-50kg/cây.

Tiêu chuẩn Cây Mắc Mật Giống

Đối với cây giống gieo trồng bằng hạt, Bà con khi thấy cây con từ 3-4 cặp lá có thể bón thúc phân chuồng hoai với phân lân rắc trên mặt bầu. Cây Giống Mắc Mật sau 12 tháng có thể đem trồng. Cây Mắc Mật Giống khi đem đi trồng phải đạt chiều cao từ >40cm, lá xanh tốt, thân cây khỏe mạnh không bị héo lá, cụt ngọn.



Tiêu chuẩn Cây Mắc Mật Giống

Đối với Cây Ghép, Cành Ghép được ghép là cành chọn từ cây mẹ sai quả, là cành bánh tẻ thường có đường kính 1-1,5cm sức sinh trưởng tốt, cành ghép dài 10cm có 4-5 chồi ngủ. Cây ghép sau khoảng 6-8 tháng có thể đem ra trồng ngoài vườn.

CÁCH CHĂM SÓC CÂY MẮC MẬT

Bài viết trước đó, Chúng tôi đã hướng dẫn Bà con về các kỹ thuật trồng Cây Mắc Mật. Tuy nhiên, Bà con muốn có một vườn, một rừng Mắc Mật cho năng suất tốt thì trồng cây đúng kỹ thuật thôi chưa đủ mà nó còn là cả một quá trình chăm sóc lâu dài đúng kỹ thuật. Quá trình chăm sóc đó bao gồm việc tưới nước, làm cỏ, bón phân, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh.


Cách chăm sóc Cây Mắc Mật

Cung cấp đủ nước và phân bón cho cây

Mắc Mật là cây chịu hạn tuy nhiên mùa khô cũng cần tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, sau khi trồng cây non cần rất nhiều nước để sinh trưởng vì thế Bà con cần tưới đẫm nước cho cây vào sáng hoặc chiều.

Phân bón là yếu tố cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Sau khi trồng 1-2 tháng cây đã bén rễ, Bà con cần bón phân đạm (pha loãng 1-2%) 1-2 lần, cách nhau 1 tháng để cây mau phục hồi. Thời gian 1-2 năm đầu, hàng năm Bà con bón cho mỗi cây 0,2-0,4kg phân NPK 16-16-8, một năm bón 2 lần, những năm sau đó tăng thêm 0,1kg/cây. Khi cây ra hoa, có quả bón 1-2kg NPK/cây, bón cách gốc 1-1,5m, bón bổ sung 0,2-0,3 kg vôi/ cây.


Cung cấp đủ nước và phân bón cho cây

Kết hợp tạo tán và làm cỏ cho cây

Nước và phân bón được cho là 2 yếu tố cần thiết để Cây Mắc mật sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để giúp cây phát triển khỏe mạnh, tận dụng được tối đa lượng nước và phân bón để nuôi cây, Bà con chú ý việc tạo tán và làm cỏ sạch sẽ thường xuyên cho cây.

Hai năm, Bà con đầu cắt ngọn cây 1-2 lần cho cành khung khỏe, bộ tán gọn. Bà con nên cắt bỏ cành nhỏ, cành vượt trong tán cây.

Bà con thường xuyên làm sạch cỏ từ gốc đến khoảng hơn 1m xung quanh cây để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Bà con tiến hànn làm có 2 lần/ năm.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây

Sâu bệnh là tác nhân gây hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, khả năng sinh trưởng, năng suất của cây.


Phòng trừ sâu bệnh cho cây

Tuy Cây Mắc Mật ít bị sâu bệnh, nhưng Bà con cũng cần thường xuyên kiểm tra theo dõi để phòng trừ kịp thời sâu bệnh có thể phá hại.

Luôn có biện pháp đề phòng sâu bệnh, khi phát hiện ra sâu bệnh cần kịp thời tìm cách diệt trừ sâu bệnh, hạn chế tốc độ lây lan, giảm thiểu thiệt hại.

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY MẮC MẬT

Cây Mắc Mật loại cây có sức sinh trưởng tốt, ít khi bị sâu bệnh, lại có thể chịu hạn tốt. Tuy nhiên, Bà con muốn có được Vườn Mắc Mật phát triển đồng đều, khỏe mạnh cần chú ý đến kỹ thuật trồng Cây Mắc Mật.


Cây Giống Mắc Mật

Chuẩn bị Cây Mắc Mật Giống

Cây Mắc Mật Giống thường được nhân giống từ hạt hoặc bằng cách ghép cây.

Giống từ hạt: Hạt sau khi thu hoạch, Bà con chọn những hạt giống khỏe, không sâu bệnh, phơi nhẹ hạt giống dưới bóng râm 2-3 ngày, ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 6 giờ. Bà con tiến hành gieo vào bầu đất nylon 15x30cm có dinh dưỡng (80% đất thịt nhẹ, 10% phân chuồng hoai, 10% phân vi sinh), bầu được đặt nơi vườn ươm có che bóng hoặc nơi râm mát. Hàng ngày, Bà con tưới đẫm nước lúc sáng hoặc chiều. Khi cây con từ 3-4 cặp lá có thể bón thúc phân chuồng hoại với phân lân rắc trên mặt bầu. Sau 12 tháng có thể đem trồng.


Chuẩn bị Cây Mắc Mật Giống

Giống cây ghép: Sau khi chăm sóc cây từ hạt trong vườn ươm 16-18 tháng, gốc cây ghép có đường kính 1-1,5cm có thể tiến hành ghép; gốc ghép được cắt ngọn cách mặt đất 20-30cm. Bà con dùng dao chẻ đôi từ vị trí cắt ngọn sâu vào gỗ khoảng 1cm. Cành ghép là cành chọn từ cây mẹ sai quả, là cành bánh tẻ thường có đường kính 1-1,5cm sức sinh trưởng tốt, cành ghép dài 10cm có 4-5 chồi ngủ, đầu phía gốc cành được vạt hai bên thành hình nêm cắm vào gốc ghép, dùng dây nylon quấn chặt. Sau khi ghép từ 15-20 ngày không được tưới nước quá ẩm. Sau khoảng 6-8 tháng có thể đem ra trồng ngoài vườn.

Kỹ thuật trồng Cây Mắc Mật

Song Song với việc chuẩn bị cây giống, Bà con cũng cần chuẩn bị đất để trồng Cây Mắc Mật. Đất trồng Mắc Mật nên có tầng đất dày từ 50cm trở lên, có thể là đất đỏ bazan, đất thịt pha cát, đất thoát nước tốt, đất nương rẫy, đất đồi thấp, phù sa ven suối và phù hợp với mọi địa hình. Bà con không trồng trên các loại đất cát đất nhiễm mặn.



Kỹ thuật trồng Cây Mắc Mật

Mùa vụ : Miền Bắc nên trồng vào mùa xuân từ tháng 1- 3. Niền Nam trồng vào mùa mưa từ tháng 5-10.

Mật độ trồng: 400-500 cây/ha, khoảng cách 4,5x5m hoặc 5x5m; có thể trồng xen vào các Vườn Cà Phê, Chè để làm Cây Che Bóng (Với mật độ thấp hơn).

Hố trồng: Quy cách hố 50x50x50 cm. Mỗi hố, Bà con bón lót 5-7kg phân chuồng hoai với phân lân đã trộn theo tỷ lệ 1/10. Hố được bón phân và lấp hố trước khi trồng 3-4 tuần.

Kỹ thuật trồng: Bà con dùng cuốc đào lỗ nhỏ giữa hố với chiều sâu hơn chiều cao của bầu cây trồng 2-3cm. Sau đó, Bà con dùng dao rạch bầu nylon từ trên xuống, cắt bỏ rễ cong queo dưới đáy bầu, đặt cây nhẹ xuống hố cuốc, lấp đất và ấn nhẹ xung quanh gốc cây. Tiếp theo, Bà con cắm cọc cố định và buộc cây vào cọc chống gió lay gốc. Bà con trồng vào mùa mưa tránh gốc cây bị ngâm nước.

CÂY MẮC MẬT LÀ CÂY GÌ?

Từ ngàn xưa trong y học nhân gian Việt Nam, Cây Mắc Mật đã được xem là một vị thuốc cực kỳ quý, chữa được nhiều bệnh. Ngày nay, Cây Mắc Mật không chỉ là một vị thuốc, mà nó còn là Cây Gia Vị không thể thiếu nếu muốn món ăn đậm đà, ngon hơn.



Lá Cây Mắc Mật

Cây Mắc Mật là cây gì?

Cây Mắc mật thuộc họ Cam (Rutaceae) tên khoa học là Clausena Indica. Cây mọc tự nhiên ở một số cánh rừng ở nước ta. Từ ” Mắc Mật ” là tiếng Tày-Nùng và có thể dịch thành “Quả Ngọt”.

Quả và lá non Cây Mắc Mật dùng làm gia vị, lá và rễ được dùng trong đông y, Ngoài ra lá cây cũng được dùng để cất tinh dầu.


Cây Mắc Mật là cây gì?

Hương vị của Lá Mắc Mật là gia vị không thể thiếu được trong chế biến các món ăn heo quay, vịt quay, thịt kho Tàu, chân giò hầm… quả tươi làm hương vị độc đáo của món măng ớt.

Những năm gần đây, các sản phẩm của Cây Mắc Mật như lá, quả, vỏ, thân, rễ cây được sử dụng nhiều trong chế biến hương vị cao cấp trong kỹ nghệ thực phẩm, dược liệu, trong hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa và hô hấp.

Phân bố Cây Mắc Mật

Cây phân bố tự nhiên ở rừng tự nhiên Quảng Tây – Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Indonexia, Philippin và Việt Nam.


Phân bố Cây Mắc Mật

Tại Việt Nam, cây mọc từ Bắc vào Nam. Cây phân bố ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình. Trong đó Lạng Sơn là tỉnh trồng nhiều nhất khoảng 350 ha, rải rác ở Lâm Đồng một số nông dân của các huyện như Lâm Hà, Đức Trọng đã trồng và cho thu hoạch lá, quả…

Giá trị của Cây Mắc Mật đem lại hiệu quả cao nên nhiều nơi nông dân đã trồng và mở rộng diện tích. Sản phẩm làm từ Cây Mắc Mật đã trở thành “ Đặc sản” của tỉnh Lạng Sơn.

Sunday, April 30, 2017

GIỚI THIỆU VỀ CÂY MẮC MẬT



Cây Mắc Mật

Tên phổ thông: Mắc Mật, Móc Mật, Mác Mật, Hồng Bì Núi, Củ Khỉ, Dương Tùng
Tên khoa học: Clausena Indica
Họ thực vật: Cửu Lý Hương
Nguồn gốc xuất xứ:
Phân bổ ở Việt Nam: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình…và nhiều tỉnh thành ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

A. Đặc điểm hình thái: 

Thân, tán, lá: Mắc Mật là cây thân gỗ nhỏ cao trung bình 3 – 7m, ra 2 đợt lộc trong năm là lộc xuân và lộc hè thu. Cành non có màu xanh nhạt, có lông rải rác về sau nhẵn, vỏ thân màu xám đen, có những nốt sần. Cây đạt chiều cao và hình dạng bộ khung tán ổn định có hình mâm xôi hoặc hình bát úp vào giai đoạn từ 16- 20 năm tuổi sau trồng. Vỏ thân, cành, lá, hoa, quả có tinh dầu thơm. Lá kép lông chim, mọc so le, mặt trên bóng, mặt dưới đầy lông

Hoa, Quả, Hạt: Chùy hoa ở ngọn, nụ tròn, hoa màu hồng nhạt. Cây ra hoa từ tháng 3-6, mùa quả chín tháng 7-9. Quả mọng hình trứng đường kính 9-13mm. Quả còn non có màu xanh đậm, hình cầu, trên vỏ có túi tinh dầu khi chín vỏ quả màu vàng nhạt, nhẵn bóng, trong. Hạt 1-2 mm, màu xanh nhạt

B. Đặc điểm sinh lý, sinh thái: 

Tốc độ sinh trưởng: trung bình

Cây phát triển tốt ở độ cao trung bình 200-600m, một số ít mọc trên sườn núi đá và sườn đồi. Cây Mắc Mật là cây ham ánh sáng, chịu hạn tốt, lúc nhỏ cần che bóng nhẹ.

Cây thích hợp nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm từ 20-250C, lượng mưa bình quân 1.000-1.900mm/năm.